Sunday, July 28, 2024

tràn ra


 thật kỳ lạ, chỉ bằng cách không chống lại tình cảm, người ta mới có thể dần thoát khỏi nó...

có lẽ là cô sắp thoát rồi, hay ít ra là cô hy vọng như thế, từ khi đọc được một phần ba “cọ hoang” thì cô đã không còn cảm giác bồn chồn cả ngày nữa, chỉ còn cảm giác quặn lên ở chỗ luân xa tim vào mỗi buổi sáng khi mở mắt thức dậy, và quyết định sẽ không cố ngủ nữa thì lập tức nó sẽ đến, i như thể nó được lập trình trong cơ thể cô một đường dây dẫn truyền thần kinh nào đó, một phản xạ có điều kiện. Và đến nửa quyển thì cô đã xoá số điện thoại. Nhưng khi mở danh bạ ra, có lẽ lại cũng là một phản xạ tự vệ, mắt cô nhắm hờ để khỏi phải lưu vào bộ nhớ cái số điện thoại kia, ấy thế mà có lẽ lại cũng là một phản xạ khác, phản xạ của một ham muốn không cưỡng lại được, hay của nỗi nhớ, hay cũng chỉ là một, ba con số cuối cùng: năm, sáu và hai cũng không thoát khỏi một cái lia của đôi mắt khép hờ và cứ thế ấn sâu vào bộ nhớ… 

có lẽ là cô sắp thoát, bởi nỗi buồn và sự chờ đợi khi không chống lại thì dần cũng sẽ thành một thói quen, và ngay cả sự cô đơn cũng thế. Người ta có thể ở giữa rất đông những khuôn mặt cả lạ cả quen, những giọng nói vừa quen vừa lạ, ở ngay cạnh một nàng công chúa nhỏ đáng yêu cứ luôn nói những lời âu yếm và thú vị nhất, mà cùng một lúc cảm nhận nỗi cô đơn đầy ắp bên trong, rõ rệt hơn cả những lúc ở một mình với những trang sách mãnh liệt và dữ dội của những tận cùng tranh đấu, dù là vô thức hay hữu thức, cho sự sống và cho tình yêu. Phải, những lúc như thế, cô chỉ ước mình đã mang theo quyển sách, dẫu có thể chẳng có lúc nào để đọc, nhưng một khi nó ở bên cạnh, thì ít nhất bên cạnh cũng sẽ có một thứ gì đấy có cùng một nhịp điệu với cô, ít nhất…

có lẽ cô cũng chẳng có nhiều tình cảm với người ta đến thế, bởi vì có gì liên quan nhiều nhặn đâu. có lẽ người mà cô đặt tình cảm vào không phải người đó, mà là một con người khác, người mà có cùng nhịp điệu với cô. Và rất có thể đó chỉ là một sự tưởng tượng, hoặc là một giấc mơ cứ kéo dài mãi mà chẳng chấm dứt được, không phải là do ai, mà do chính cái trí tưởng tượng ngày càng tràn đầy kết hợp với nỗi cô đơn cứ lúc nào cũng phủ kín không gian, không gian càng rộng, thì nó càng giăng ra, càng bủa vây, và nó hiện ra trên bất cứ khuôn mặt nào mà cô bất chợt nhìn thấy, dù có là một kiểu mặt nào đi nữa. Rất hiếm khi mà khác được. Có lẽ chỉ trừ khuôn mặt của những đứa trẻ sơ sinh mới có thể gợi lên trong cô một loại cảm giác khác. Chắc là vậy, nên có những lúc cơn yếu nhược ập đến nhấn chìm cô xuống, người mà cô muốn gặp nhất lại chính là đứa trẻ mới sinh được vài tháng, cháu gái cô. Chỉ duy nhất lúc ấy, cô mới không cảm thấy mình đang đi lạc giữa thế giới này. Nhưng đi lạc thì cũng chưa đủ, mà là bị tách ra, như thể có hai con người, một người cứ tồn tại như bình thường, và một người kia đang ngồi trong một cái vòng tròn giống như cái bong bóng xà phòng trôi bồng bềnh trong một không gian khác, một không gian không có bất cứ một ai, nhưng là nơi có thể quan sát được không gian bên này như đang xem một bộ phim vậy, vừa xem vừa tự hỏi tại sao con người kia vẫn có thể ăn, uống ngon lành, nói, cười, và giao tiếp như thể thậm chí chẳng hiểu định nghĩa của từ cô đơn là gì. Có phải ai cũng có một (hay là nhiều) phần như thế? 

hoặc như đêm hôm qua, buổi chiều đi cà phê với em gái dạy yoga, nói chuyện thiền ( mà lại chọn chỗ không liên quan đến thiền, một chỗ rất hot của giới trẻ bây giờ), đã chọn trà cúc mật ong cho dễ ngủ mà chỉ vì nó ngọt quá nên quay sang uống có một xíu trà sữa của cô em, thế mà đêm về mắt cứ chong chong. Đêm thì bao giờ cũng sẽ buồn, kể cả những hôm ban ngày rất vui, đêm là nơi chốn cho những kỷ niệm, đặc biệt là những niềm day dứt. Nằm mãi vẫn tỉnh, ngồi dậy định lôi Sói thảo nguyên ra đọc tiếp (có lẽ đọc xong Hesse và Faulkner cô sẽ thoát hẳn), nhưng tự nhiên khi đã ngồi ngay ngắn, cô lại không còn muốn đọc nữa, nhất là khi cô cứ cảm thấy rằng đọc Hesse sẽ không đem đến cho cô những thứ cô muốn giống như với Faulkner và B có thể, mà sẽ lại giống như một vòng lặp của chính mình, nghĩa là cô chẳng cần phải đọc, bởi vì hẳn là cô đã đoán biết mọi sự từ trước rồi, đọc chẳng qua là vì G.M. thôi, biết đủ, để mà chào nhau một tiếng, ra đi trong thanh thản. Vậy là cô cứ ngồi như thế, không muốn cầm sách lên mà chỉ ngồi lặng như một bức tượng trên giường, không nhúc nhích, ngay cả chớp mắt cũng không, và nhìn chằm chằm xuống đường, như thể tìm kiếm một cái gì đó, nhưng không hề biết mình đang tìm kiếm thứ gì. Từ trên cửa sổ rộng của tầng trên cùng của khu chung cư nhìn xuống, những con đường và những toà nhà sáng rực, như thể đây mới là thời điểm cho chúng, như thể ban ngày thì chúng ngủ, và khi thành phố sáng đèn, là lúc chúng thức dậy, toả ra, nhộn nhịp, sống động. Và cái sự sống rực rỡ của đêm ấy, một lần nữa, lại càng làm nổi lên sự cô độc của bức tượng người, hơn là trong bóng đêm đen đặc, không có nguồn sáng. Có phải nỗi cô đơn và bóng đêm thực ra chỉ là một?

Đột nhiên một mảnh của kí ức lại hiện hữu, rõ mồn một, cứ như thể chúng chưa bao giờ là quá khứ. Cô vẫn thấy mình đang ở căn hộ ấy, đứng trong nhà, nhìn ra ngoài balcony và xuống dưới đường, vào lúc ăn tối xong, chắc là khoảng bảy giờ. Ấy là con đường đê Nguyễn Khoái, vào khoảng thời gian ấy, cho dù là vào mùa hè, thì tất nhiên là vẫn san sát nối đuôi nhau. Nhưng khác hẳn với cái cảm giác ngán ngẩm và mỏi mệt ngồi trong xe chờ đợi để được nhích lên từng chút, thì từ trên balcony nhà T. nhìn xuống lại có một cảm giác đặc biệt thú vị, những chiếc xe nhỏ xíu với đèn trước và đèn sau sáng rực xếp hàng nối đuôi nhau trông như một mô hình đồ chơi, hơn nữa lại thực sự đẹp và rực rỡ. Nhưng không chỉ là đẹp, nhìn từ trên xuống, cô cảm thấy như thể mình là vị thần đang nhìn xuống một trần thế hỗn loạn và đẹp đẽ, một trần thế rực rỡ đến thế nhưng lại có thể tan biến bất cứ lúc nào… Vậy có lẽ là các vị thần tạo ra trần thế để bớt cô đơn, nhưng làm sao mà bớt được kia chứ? thậm chí, thậm chí là sẽ còn cô đơn hơn, khác thế nào? Sự khác biệt sẽ càng sâu khi ở giữa những và những sự chẳng liên quan gì…

Ngay lúc ấy cô đã cảm giác được ngay cả cái chuyện cô đứng đó có lẽ cũng rất có thể là lần cuối cùng, vì sao lại như thế nhỉ? Vì sao ngay cả với một người như cô, cậu ấy cũng có thể nhẫn tâm đến thế. Dẫu rất vô căn cứ, nhưng cô có một sự tự tin kỳ lạ rằng, và có lẽ rất xa rời thực tế, rằng không ai có khả năng nhẫn tâm với cô, phải chăng chỉ bởi vì cô không có khả năng nhẫn tâm với người khác? đặc biệt là những người cô yêu quý. Cho đến khi bị tổn thương, cô vẫn ngạc nhiên và không hiểu vì sao lại như vậy, là cô ngây thơ, hay ngu ngốc, hay  ngây thơ và ngu ngốc chỉ là một? Và niềm tin ấy lại tự nhiên hồi phục như thể chưa bao giờ bị phản bội, cho đến lần tổn thương kế tiếp…


Monday, July 22, 2024

a faithful heart


 vừa đọc xong "Bốn tình yêu" 

người ta bảo với ái tình thì chẳng có tấm lòng son nào hết, kể ra thì cũng không sai. nhưng chỉ vì như thế mà chối bỏ những gì đang hiện hữu, chối bỏ ngay cả chính bản thân mình, thì lại rất sai. Nhưng đúng sai thì có ý nghĩa gì nhỉ, từ bao giờ đúng sai đã trở nên giống với tất cả mọi người? trên đời này có gì là tuyệt đối đâu, bởi vậy ái tình cũng làm sao có thể thoát khỏi điều đó. và cũng chẳng bao giờ có cái gì là trọn vẹn mọi đường. vấn đề chỉ là lựa chọn. bởi vì lựa chọn nên mối quan tâm, sự ưu tiên, con đường mà mỗi một người đi đều rất khác biệt. cho dù có thấy được, hiểu được nhau thì sao chứ? chẳng ai có thể quyết định thay ai, chịu trách nhiệm thay cho cuộc đời bất cứ một ai, kể cả có là cha mẹ, chứ đừng nói chỉ là "người dưng nước lã". những kết nối về tinh thần không phải đối với ai cũng là quan trọng đến thế, hoặc thậm chí có thể quan trọng, nhưng chính vì quan trọng, nên mới phải chối bỏ…

Loại bỏ nhu cầu


 "sự vận hành thông thường của tư tưởng triết lý là như vậy. Chúng ta khởi đầu từ cái mà chúng ta tưởng là kinh nghiệm, chúng ta hết sức cố gắng sắp xếp lại với nhau bằng nhiều cách những phần có vẻ kết thành kinh nghiệm ấy, và rồi nhận thấy tất cả mọi sự tạo dựng của chúng ta đều mỏng manh, yếu ớt... Nhưng có lẽ còn có một việc cần phải thử làm đó là đi tìm kinh nghiệm ngay ở nguồn mạch của nó, hay nói cách khác, đi tìm kinh nghiệm ở trên khúc quanh quyết định là nơi kinh nghiệm quay về hướng lợi ích để thực sự trở thành kinh nghiệm của con người. Sự bất lực của lí trí thuần lí, đúng như Kant đã chứng minh, kỳ thực có lẽ chỉ là sự bất lực của một trí tuệ lệ thuộc vào những nhu cầu thiết yếu nào đó của đời sống thể xác và thi thố khả năng của mình đối với một vật chất đã cần phải phân tán để thỏa mãn nhu cầu của chúng ta. Như thế, nhận thức của chúng ta về sự vật không còn có tính tương quan với cấu trúc căn bản của tinh thần. Đó chỉ là tương quan với những thói quen nông cạn đã tập được, tương quan với cái hình thức ngẫu nhiên mà tinh thần đã mặc lấy bởi các chức năng thể xác và các nhu cầu thấp kém của chúng ta. Vậy tính tương quan của nhận thức không có tính dứt khoát. Khi phá hủy những gì mà các nhu cầu ấy đã tạo ra, chúng ta sẽ làm cho trực giác tìm lại được tính cách thuần khiết sơ thủy của nó và chúng ta sẽ lại tiếp xúc được với cái thực tồn"

Nhưng làm thế nào để loại bỏ được nhu cầu???

Wednesday, July 17, 2024

disappear


 thế là một người đã đi hẳn khỏi thế giới của mình, không còn một dấu vết. Cứ mỗi ngày lại lùi dần một chút về phía ngược lại, cho đến một ngày, chính xác là hôm qua, đã không còn chút dấu vết gì nữa, như thể chưa từng có bất cứ chuyện gì xảy ra, thật là kỳ lạ. 

người đó sẽ biến mất mãi mãi thật ư? có những người ra khỏi cuộc đời bạn mà bạn thậm chí còn chẳng hề nhận biết sự tồn tại và biến mất của họ, lại cũng có người, cứ như vậy từng ngày mờ dần và lùi dần đi, lại còn có thể quan sát bằng mắt thường sự dần tan biến ấy. Có nuối tiếc không? Có mong chờ gặp lại không? không, không phải là những loại cảm giác đó. thế thì đây là loại cảm giác gì?có lẽ vẫn là một dấu hỏi chấm to đùng, muốn biết, mà chẳng thể nào biết được hết mọi sự trên đời vì sao lại vận hành như thế. ngay cả chính bản thân mình, mình còn chẳng thể chắc chắn được ngày mai rồi sẽ sao? sẽ tiếp tục như thế nào? huống chi là một, hay nhiều người khác, nhất là khi những mối liên quan hầu như còn chẳng tồn tại.

đến một lúc nào đó, khi cuộc sống kết thúc, liệu ta có thể có câu trả lời cho tất cả?

Tuesday, July 16, 2024

khoái lạc?


 chắc không nhiều bài hát có thể chạm được đến tôi đến độ như "because you love me" của Kaz Hawkins. đến mức mà nhiều khoảng thời gian tôi không dám nghe, những lúc cần phải đóng gói mọi thứ vào để làm những việc cần làm, và cả những lúc vết thương trở nên đau đớn không chịu đựng nổi. nhưng có những lúc như lúc này, chỉ muốn đắm mình vào đấy, để tận hưởng cái thứ sến sẩm gọi là khoái lạc của u sầu...

nhu cầu của mỗi một con người thật khác nhau, khác hơn rất nhiều so với tôi tưởng tượng. chính vào lúc tôi nghĩ mình gần như đã hiểu được hết, thì hóa ra tôi lại chẳng biết gì, lại gặp những chuyện, những người khác hoàn toàn với hình dung của tôi. ngay cả những người đã thân thuộc từ rất lâu, cũng bỗng nhiên khoác một diện mạo, và bộc lộ những bản tính, những tình cảm, khiến cho tôi thậm chí có lúc đã choáng váng, và thậm chí suy sụp...

"cái người ta thường gọi là một thực tại, không phải là hiện thực đúng như nó xuất hiện với một trực quan trực tiếp [intuition immédiate], mà là sự phù hợp của cái thực tồn đối với lợi ích thực tế và đòi hỏi của đời sống xã hội"

"sai lầm của nó không phải ở việc đánh giá quá cao sự thường nghiệm, mà tại đã thay thế cho kinh nghiệm chính công bằng kinh nghiệm phát sinh bởi tinh thần tiếp xúc trực tiếp với đối vật của nó một thứ kinh nghiệm rời rạc và chắc chắn đã biến tính, một thức kinh nghiệm bao giờ cũng đã được thu xếp để hết sức dễ dàng cho hành động và ngôn ngữ. Chính việc chia nhỏ cái thực tồn thành các bộ phận đã được thực hiện vì những đòi hỏi của đời sống thực tế, nên nó đã không theo đúng đường nết bên trong cấu trúc của các sự vật"

"thuyết duy lý khám phá và làm nổi bật lên những khó khăn mà thuyết duy nghiệm đã lờ đi... và nó chỉ cố gắng tổng hợp các hiện tượng ấy lại, nhưng tổng hợp này vì không phải đã có được trong một trực quan, nên nhất thiết sẽ luôn luôn mang một tính cách tự tiện"

(vật chất và kí ức -H.B)

bên cạnh khoái lạc của u sầu, một thứ khoái lạc không vuốt ve ta nhiều đến thế, nhưng mỗi lúc một ít, bồi đắp cho cái tinh thần ta mỗi khi nó rệu rã, mỏi mệt và muốn buông xuôi, ấy là thứ khoái lạc đến từ tri thức, không phải tri thức khoa học, và cũng không phải thứ tri thức đứng im đã chết, nó là cái khoảnh khắc sau những vật vã của kiếm tìm những màu sắc vô nghĩa của cuộc sống thì bỗng gặp được một cái gì đó (dĩ nhiên là không bao giờ dễ dàng) giống như ánh sáng chiếu rọi vào sâu bên trong, mặc dù cũng chẳng thể xua hết mọi tăm tối, nhưng ít nhất, đó là một dấu hiệu, để nhận biết rằng, muốn tồn tại, thì không thể cứ đứng im mà chờ đợi?

Monday, July 15, 2024

tired




 lại là do thời tiết ư? những cơn mưa cứ đến rồi đi, không liên tục, mà dấm dứt, dằng dai khiến cho bầu không khí kể cả những lúc hửng nắng vẫn mang một vè u ám, ảm đạm, thậm chí ảm đạm hơn cả những lúc chẳng có ánh nắng. cái gì đấy cứ dồn ứ lên trong lồng ngực, chỉ muốn chạy ra khỏi bốn bức tường và đống hồ sơ tài liệu chồng chất trước mặt. trong đầu cũng như thể đang có một thứ chất lỏng đặc sệt, ách tắc... nhưng chạy đi đâu? gặp ai bây giờ? có gặp ai đi nữa cũng chỉ là tạm bợ, có trốn đi cũng chỉ được chốc lát, trốn làm sao được chính mình? có khi cần phải giam lại, cứ để nó nén xuống, ép chặt, để xem nó sẽ tự xẹp xuống như quả bóng bị xì dần hơi, hay là nó sẽ nổ tung...

cái cây thủy sinh kia lá càng ngày càng bóng lên óng ả, dù không dươc chăm sóc nhiều. nếu biết trước rằng nó nhiều sự vô nghĩa đến thế, thì hồi đó có năng lưc để từ chối nhận nó hay không? muốn được căm ghét, giận dữ thật nhiều để có thể ngoảnh mặt quay đi, nhổ lên được cội rễ, dứt đi được dây dưa, vướng mắc... mà không làm được... cái gì mà cũng gấp nhiều lần người khác, vị giác, khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác, và trực giác... có vẻ không phải là một món quà, ngược lại là một sự đày đọa...

Friday, July 12, 2024

Kundera và G.M.


 Vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết được tặng cách đây không lâu. Một cuốn tiểu thuyết về ký ức, về thời gian, về nỗi nhớ và về sự quên.


Khi yêu ai đó hay điều gì đó tha thiết, và bị chia cắt, người ta sẽ cảm thấy bị nỗi nhớ đày đoạ, vì những khát khao không được thoả mãn, những mong ước gặp lại, được nhìn thấy, được chạm vào… nhưng vô vọng…


Thế nhưng, sự đày đoạ của nỗi nhớ hoá ra lại không đáng sợ bằng sự lãng quên. Bởi chính nó, nỗi nhớ ấy, dù đau đớn, là cái làm đầy bên trong ta. Không có gì đáng sợ bằng sự trống rỗng. Khi những ký ức và hình ảnh mà ta đã yêu thương bằng cả tâm hồn, cứ thế bị sự nghiệt ngã của thời gian xoá dần đi mất, thế chỗ bằng những sự trống rỗng đến vô cùng…


“Và sự kinh hoàng nằm ở đó: quá khứ người ta nhớ được không chứa đựng thời gian. Không thể làm sống lại Tình yêu như khi đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim…”


Người ta vẫn hay nói, thời gian là phương thuốc để “chữa lành” mọi vết thương. Nhưng có đúng thế không? Và sẽ thế nào nếu như thời gian cướp dần đi của chúng ta những gì từng là nguồn sống, cho dù nguồn sống ấy, là một vết thương, là một nỗi đau? 


hôm nay đang leo thang bộ bỗng nghĩ đến cái này từng viết cách đây hơn một năm khi đọc “Vô Tri” của Kundera

lần trước khi tặng Những mối tình cho G.M tôi đã nghĩ nó tốt cho em, nhưng giờ tôi mới thấy một người thiếu niềm tin đến thế có lẽ đừng bao giờ nên đọc Kundera, chẳng có gì là đẹp đẽ ở đấy…

Thursday, July 11, 2024

Là gì?




 chẳng biết ngày hôm qua ăn phải những cái gì đánh nhau, mà bụng dạ đâm rất khó chịu. nửa đêm tỉnh dậy chẳng ngủ được nữa, cảm giác cái đau ở trong tim, không đúng, là luân xa tim với cái đau kia hình như cùng là một. hay là bởi vì bị thương cái này nên dẫn đến sức phòng vệ của chỗ kia (dạ dày, thượng vị...) bị ảnh hưởng?

nhưng tỉnh dậy không ngủ được nữa thì không phải vì đau. mấy hôm nay, không, một tuần nay, lại bắt đầu những cơn ngủ gián đoạn, ngủ vì mệt, vì kiệt sức nên rơi thẳng vào giấc ngủ không mấy trằn trọc, nhưng ngủ ngắn, không sâu, và mơ rất nhiều, nhưng chẳng có giấc mơ nào an ủi... giá mà có thể kiểm soát được giấc mơ, ít nhất, thực tại không được như ý, thì vẫn còn những giấc mơ. những giấc mơ nếu ngọt ngào êm ái, sẽ cho ta một cảm giác như một vòng ôm ấm áp, một luồng khí len lỏi trong da thịt, chữa lành vuốt ve những vết thương, giống cảm giác một hơi hít thở sâu lúc thiền trước biển, xanh ngắt, bao la. lâu quá rồi không ra biển, nhớ quá...

đêm qua tưởng đã ngủ được hơn, có lẽ là do cuộc thiền lúc chiều muộn, lòng đã thấy yên ổn hơn, đã không bị đi vào giấc ngủ trong một cơn day dứt, cứ nghĩ là có khi sẽ ổn dần sớm thôi, ấy thế mà sáng sớm vừa mở mắt, một cảm giác trống hoác, rỗng sâu ở lồng ngực ngay lập tức hiện hữu, lúc ấy đã nghĩ, ước gì có một chất gì đó, có thể bơm đầy vào lồng ngực, như kiểu làm một cuộc phẫu thuật, để sau đó, không bao giờ còn phải trải qua cái cảm giác này nữa…

nhưng cũng đã đỡ hơn sau nghi thức tập luyện buổi sáng. làm sao có thể không tập, có lẽ là vì như thế. những lúc chẳng có ai, có điều gì có thể cứu bản thân mình, lúc mất hết ý chí, niềm tin, trái tim đầy thương tích, đẩy mình vào trong những khắc nghiệt của những cardio, khiến cho những thương tổn về tinh thần trở nên nhẹ nhõm hơn, ít nhất là ngay khi ấy... ngược đãi thân thể, thì tâm hồn sẽ nhẹ nhõm hơn, cơ chế thần kinh là như thế nào nhỉ? dù sao thì, đây cũng là một sự ngược đãi tích cực...

tỉnh dậy hôm nay vẫn với cơn đau âm ỉ, và mệt mỏi, vì những suy nghĩ cứ quấn lấy, quẩn quanh, nhưng ít ra không còn cảm giác trống hoác ở lồng ngực như hôm qua nữa. chẳng hiểu có ai cứ luôn nhìn xoáy vào những cơn đau, định nghĩa, gọi tên, phân biệt chúng như tôi hay không? có lẽ bởi vì không còn "mất mát' nữa, không còn tự mình phải cắt bỏ đi nữa, mà chỉ còn là chờ đợi và chấp nhận. như thế này là vì không chịu nổi đau, nên đành từ bỏ việc "từ bỏ" hay sao? hay là còn vì một điều gì khác nữa? 

những gì có vẻ được định sẵn sẽ xảy ra, phải chẳng có một phần lớn là do chính mình quyết định, bằng những nỗi sợ, sự né tránh, sự đòi hỏi, ích kỷ trong yêu thương, dẫu có thể cho đi không tiếc gì, nhưng bao giờ cũng chờ người khác phải cho đi trước, nhưng "vô điều kiện" thì không phải ai cũng có năng lực ấy. có lẽ chính vì thế,  nó mới thực sự khác biệt, bởi nó nhìn được hết, nhưng bao giờ lựa chọn của nó cũng là thương yêu chứ không phải đòi hỏi. sự "cho đi trước" hẳn là không chỉ cần một trái tim ấm áp, mà còn đòi hỏi một sức mạnh lớn lao lắm... đặc biệt nữa là khi hoàn toàn có thể nhìn thấy...

bao nhiêu năm rồi, vẫn y nguyên một câu hỏi ấy....

Wednesday, July 10, 2024

it's all about sorrows


 từ sáng đến giờ không sao tập trung được

thời tiết không quá nóng, nhưng không khí đặc quánh, và vây hãm khiến người ta không thể hít thở một cách dễ dàng. sáng nay lúc đi trên đường, bỗng thấy không thở nổi, phải mở cửa sổ ra một lúc cho thoáng. nỗi đau cứ thế âm ỉ từ tối qua... cũng chẳng hiểu, vốn dĩ chẳng có gì gắn bó, chẳng có gì nhiều nhặn với nhau, ấy thế mà khi quyết định dứt bỏ, lại vẫn cứ cảm thấy đau, thấy xót xa, cho mình và cho người khác, và còn cho cả nó nữa, liệu mình có chút nào hiểu nhầm về nó...

G hỏi tôi có định nói với nó quyết định của mình không. Tôi trả lời là không. Vì không thể, và tôi không mong, nhưng chẳng điều gì chắc chắn được, với lại ngay cả chuyện nói ra cũng sẽ chẳng cứu vãn được gì. Giữa tôi và nó cần có thời gian, để cho mọi chuyện tự qua đi, cả nỗi áy náy xót xa của tôi, và cả nỗi đau vì phải chấp nhận của nó. Chẳng biết đến bao giờ tôi mới lại được gặp nó, mới có thể nói chuyện với nhau như lúc trước. Hay là phải đợi đến lúc tôi lại rơi vào một cơn trầm cảm khác? Chỉ khi ấy, lòng thương xót của nó mới có thể đủ để nó bỏ qua tất cả. Tôi chẳng cần ai thương xót, ấy thế nhưng lại có thể chấp nhận lòng thương nơi nó.

G bảo một việc như thế xảy ra cuối cùng lại thành ra chẳng được gì, mà chỉ thấy mất mát. Tôi thì không thấy như thế. Đúng là chẳng có gì được như tôi mong muốn (nhưng tôi muốn gì thế nhỉ?), vả lại giờ đây còn thấy mất mát và nuối tiếc thế này. Nhưng vẫn là những bài học cuộc đời, của sự nhận ra, là cái mà chúng ta có được sau mỗi lần đau và mất mát...

let it be, let it be, let it be, let it be

whisper words of wisdom LET IT BE

Monday, July 8, 2024

Định mệnh và niềm tin


thời tiết nắng nôi oi bức khó tả, khiến lòng cũng không sao yên được. Không phải là sốt ruột vì phải chờ đợi một câu trả lời, thực ra làm gì có câu trả lời nào. Mọi thứ không do bạn, do tôi, hay do bất cứ một thế lực riêng rẽ nào quyết định, mọi thứ là do số phận. Một cô gái đã từng nói với tôi rằng cô ấy không thích tử vi, bởi vì tử vi không cho người ta quyền được lựa chọn, nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Lúc nào, bất cứ ở đâu, ở bất cứ điều kiện khăc nghiệt nào, người ta cũng đều có quyền được lựa chọn, chỉ có điều, mọi điều xảy ra sau sự lựa chọn đó sẽ như thế nào, thì không ai có thể quyết định được, đó là sự bất lực trước vận mệnh, mà rồi tất cả, ai cũng sẽ phải nếm trải, chỉ là nhu cầu càng lớn, thì sẽ càng bất lực nhiều hơn mà thôi. Chính vì thế, không biết bao nhiêu đạo giáo trên cuộc đời này, luôn hướng con người ta đến việc buông bỏ, vì chỉ có sự buông bỏ mới có thể giải thoát được con người trước sự cùng quẫn, bí bách, ngộp thở của những nỗi bất lực triền miên không bao giờ kết thúc được, nếu như còn ham muốn. Nhưng có đúng là thế không? Buông bỏ thì sẽ thoát được ư? Nhưng nếu như không phải không thể, mà là không muốn buông bỏ thì sao? Và cái quyền lựa chọn kia thì giải quyết được điều gì? Đơn giản lắm, nhưng chẳng ai thấy được, hoặc giả sử có thấy được, ấy thế mà cũng chẳng chấp nhận được đâu. Lựa chọn không phải là để được hạnh phúc, để được như ý muốn, mà lựa chọn, là để tìm ra chính bản thân mình, chỉ thế mà thôi, không gì khác. 

sẽ luôn là như vậy, biết rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ phải xảy ra và phải kết thúc, và cũng luôn ý thức được điều đó vào những thời điểm thực thực sự tỉnh táo, nhưng có thể nào dập tắt được hy vọng, dẫu có vẻ như, nó ngày càng mỏng và nhẹ đi... 

bạn bảo tôi cho bạn ít thời gian, một lần nữa, bạn lại để cho tôi chờ bạn. Nhưng có vẻ như tôi đã quen với việc chờ đợi bạn, dường như tôi ít kiên nhẫn với ai đến thế. Thật ra tôi không hề kiên nhẫn, tôi cũng không cần câu trả lời của bạn. Tôi chỉ nghĩ tôi không muốn nói thêm điều gì, tôi muốn cho bạn toàn bộ không gian và thời gian để bạn nhận ra, điều gì mới thực sự là đúng với bạn, chứ không phải với tôi, về phần tôi, tôi đã dứt khoát lựa chọn, vì thế tôi đâu cần gì nữa. Nhưng tôi không muốn nói còn vì, vì sao bạn biết không? Bởi tôi không muốn giao tiếp với con người kia của bạn, chiếc mặt nạ hay vỏ bọc, hay lớp bảo vệ gì đó chắc có lẽ không đủ để hình dung, đó hẳn phải là một con người khác, sống động hơn thế, vui vẻ, nhưng cứng rắn, lạnh lùng, không, cũng chẳng phải lạnh lùng và cứng rắn, bởi vì lạnh lùng, đôi lúc còn dễ chịu hơn, nếu như đó đúng là bản chất. Tôi không có khả năng đối diện với con người vui tươi đó của bạn, tôi cảm thấy mọi thứ đều trượt đi, không lưu lại dấu vết với anh ta, như chẳng gì là hệ trọng, chẳng gì cả, ngay kể cả chính anh ta. Bạn thường trốn rất kỹ sau con người đó, những khi tôi với bạn giao tiếp bằng tin nhắn. Vậy nên tôi, một người rất ít nỗi sợ, nhưng đúng là tôi sợ phải nhắn tin cho bạn. Dẫu sao, tôi vẫn có một niềm an ủi, rằng mỗi khi chúng ta ở bên cạnh nhau, tôi lại có thể gặp lại bạn, cho dù rằng, không được trọn vẹn, dù rằng, vẫn còn rất nhiều lớp bảo vệ, còn rất nhiều che giấu, nhiều đắn đo và mâu thuẫn, vẫn chưa phải là cái bản thể bên trong kia, nhưng ít nhất, tôi biết, đó cũng vẫn là bạn.


Thực lòng, tôi không mong đợi gì nhiều cho bản thân tôi (nếu nói là không một chút gì thì không đúng). Điều tôi mong đợi hơn cả, là được nhìn thấy bạn trút bỏ những lớp vỏ kia, để được là chính bạn, chỉ thế thôi... Hay tôi mong đợi điều đó chính là vì tôi???


Saturday, July 6, 2024

nghĩ và làm, làm và nghĩ, nghĩ và không làm, làm và không nghĩ

 


có những hành động (bao gồm cả hành động từ chối hành động), tuy là rất ít, ấy thế mà lại không kèm với bất cứ một suy nghĩ nào, ấy là khi giữa một đống hỗn loạn, người ta tìm thấy một điểm cân bằng, một điểm bình yên, dẫu rất nhỏ, nhỏ vô cùng, (nhỏ đến mức khi tưởng tượng lại nó, thậm chí còn thấy hơi tự tội nghiệp chính mình, vì có vẻ như đơn giản, mà sao khó khăn thế), và tha thiết muốn níu vào đấy, bởi không nghĩ nên người ta không biết rằng chỉ bởi tha thiết, bởi một sự mong mỏi thật sâu bên dưới được neo vào đó, nên thậm chí người ta cương quyết từ chối ngay cả việc suy nghĩ, cái việc mà dường như là sở trường của người ta, và hầu như chẳng bao giờ từ chối/hay là có khả năng từ chối

thế mới thấy cái sự mong mỏi đó nó mạnh mẽ đến nhường nào, thế mới thấy khi suy nghĩ luôn choán lấy đầu óc không lối thoát, thì có nghĩa rằng cái gì đó vẫn còn là chưa đủ...

tri thức vốn là thứ đã chết


 dạo này tôi nghĩ rất ít, và đọc cũng rất ít... Đầu óc thường rơi vào trạng thái đờ đẫn, mệt mỏi, lười biếng, nhưng có lẽ chính vì thế, thường không bị cảm xúc lôi đi, lại rất tỉnh táo...

tôi bỗng nghĩ đến, những thói quen, đặc biệt là những thói quen tình cảm, là vô cùng khó để thay đổi, mặc dù tình cảm không còn như trước nữa, không phải là nó ít đi, chỉ là nó không giống như trước, hoặc một bên thì chạy về phía trước, còn bên kia vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, vì thế, không khớp vào được với nhau. Cũng có lúc khớp được bằng cách một người thì nhích lên trước một chút, người kia lại lùi lại phía sau, nhưng hầu như sẽ xảy ra là một trong hai sẽ nhất định không chịu di chuyển, hoặc tưởng là mình đã làm thế, nhưng thực chất vẫn đứng nguyên tại chỗ chờ người kia, vậy là xa cách sẽ đến. Giả sử như có miễn cưỡng khớp được, thì có lẽ cũng khó mà duy trì mãi được như thế. Đến một lúc nào đó, thói quen sẽ trở xa cách với hiện trạng của tình cảm. Một bên vẫn giữ những thói quen như cũ, đi đâu làm gì, tâm trạng, cảm xúc thế nào, bất cứ thứ gì mới mẻ và lạ lẫm... cũng đều muốn chia sẻ cho bên kia... nhưng bên kia thì đã ở đâu đó xa lắm rồi, và lúc đó mâu thuẫn phát sinh. Người ta sẽ vượt qua mâu thuẫn đó như thế nào, thì lại còn phụ thuộc vào quá nhiều thứ. Tình cảm gắn bó, lẽ đương nhiên, nhưng nhiều khi đấy lại là con dao hai lưỡi, vì nhiều tình cảm, nhiều gắn bó, thì cũng dễ tổn thương. Người ta cần nhau đến đâu, và cần được là chính mình đến đâu, chỉ đến những lúc như thế mới có thể biết được. Nhưng dẫu có đi về phía nào đi nữa, thì dấu vết để lại phần lớn đều là những vết thương, có thể lớn và sâu, hoặc có thể nhỏ và nông, chẳng mấy khi mà được vẹn toàn cho cả đôi bên, chỉ là sự lựa chọn giữa cái quan trọng hơn và không quan trọng bằng, giữa điều gây tổn thương nhiều hoặc ít hơn mà thôi...

sự cô đơn giống như là một điều hiển nhiên hiện hữu, lâu ngày rồi, dù không muốn cũng đành phải trở nên quen thuộc với nó. Có nhiều lúc cứ tưởng là có cơ hội để tránh xa nó. Nhưng những người quanh ta, ở bên ta, kẻ nhiều năng lượng và sự quan tâm thì thiếu sâu sắc, kẻ sâu sắc thì không đủ quan tâm, hứng thú (interest in) hoặc không đủ năng lượng hoặc là lệch góc nhìn, kẻ vừa đủ năng lượng, vừa đủ quan tâm và có cùng cách nhìn thì lại có quá ít thời gian dành cho ta- hoặc là không đủ quan tâm để nhìn vào....

đang viết dở thì đi làm việc khác, đến giờ quay lại đã chẳng còn hiểu chính mình đang phân tích cái gì, xin hãy ngừng tri thức hóa mọi thứ, thực ra chỉ là mấy chữ đơn giản thôi: mãi cô đơn...


tin

 có lẽ người ta ứng xử kỳ lạ như thế là vì người ta không tin tôi, hoặc có thể vì người ta không tin chính bản thân mình. nhưng một điều đơn...