Thursday, August 15, 2024

Đọc W.F.

 “trên con đường rộng, vắng, đầy bóng cây ban đêm, y trông như một bóng ma, một hồn ma lỡ bước ra khỏi thế giới của riêng mình, và thất lạc”

“ngay những ngọn đèn đường cũng có vẻ đặt cách nhau xa hơn, như thể cuộc đời đen, hơi thở đen cấu thành chất khí có thể thở được đến mức không những các tiếng nói mà lại còn các cơ thể còn sống và chính ánh sáng nữa, tất cả phải trở thành thể lỏng và kết tụ một cách chậm chạp, từ tí tí này đến tí ti kia, cùng với đêm, vì giờ đây đêm đã có trọng lượng, không thể ngăn chia và duy nhất”

“trí nhớ tin trước khi sự hiểu biết nhớ lại. nó tin lâu hơn nó nhớ, thậm chí lâu hơn sự hiểu biết tự hỏi chính mình.”

“Miệng mở nửa chừng, da thịt mềm nhão treo xung quanh cái lỗ tròn mà trong đó những cái răng hàm dưới lộ ra vàng khè, da thịt đó cũng treo xung quanh cái mũi còn thẳng đẹp, cái phần duy nhất của khuôn mặt mà tuổi tác, sự thất bại của những năm tháng đau buồn đã không thay đổi. Nhìn xuống bộ mặt chìm sâu trong vô thức, Byron có cảm tưởng là toàn bộ con người ông đang chạy trốn khỏi cái mũi này, cái mũi vẫn nắm giữ một cách bất khuất cái phần còn lại của niềm kiêu hãnh, của lòng can đảm, vẫn bật dậy trên sự yếu hèn của nỗi thất bại giống như lá cờ bị bỏ quên trên một pháo đài đổ nát.”

“có cái gì đó thăm thẳm và buông xuôi hoàn toàn. Không phải sự kiệt sức đâu, mà là sự buông xuôi, như thể ông đã từ bỏ, đã mất đi hẳn thế chủ động trên cái hỗn hợp của lòng kiêu hãnh, niềm hy vọng, tính kiêu căng và nỗi sợ hãi, và trên cái sức mạnh để gắn bó hoặc với sự thất bại, hoặc với sự thắng lợi, mà từ các yếu tố này cái Tôi-là [the I-Am, là một trong bảy tên được dùng để chỉ Thượng đế..] được cấu thành; và sự từ bỏ các yếu tố này thì thường thường là cái chết”

“Bây giờ anh biết là bao giờ cũng có cái gì đó đã bảo vệ anh chống lại sự cần thiết phải tin, và cũng đã bảo vệ anh bằng cách làm anh tin”

Mình có cảm tưởng rằng mình, cổ, và tất cả những người khác mà mình đã phải lôi kéo vào chuyện này, chỉ là một đống từ ngữ không hề có nghĩa lý gì hết, rằng chúng ta thậm chí không phải là chúng ta, trong khi cái là chúng ta thì nó luôn sống tiếp và sống tiếp mà không thấy tiếc là đã không có chữ nghĩa để chỉ định chúng ta.”

Faulkner hẳn là phải là một người có giác quan, bao gồm cả giác quan thứ sáu, nhạy bén kinh khủng, đến một mức độ vượt xa ngay cả những người được cho là có giác quan nhạy bén hơn nhiều so với mức bình thường. Sự tấn công ồ ạt từ mọi phía, mọi nơi, mọi lúc khiến cho con người ta không thể dừng được việc viết ra, thậm chí ngay cả khi suy nghĩ chưa được hình thành rõ rệt, thì từ ngữ đã tự nó tuôn ra, và thậm chí có thể ông cũng chưa kịp nhận thức những gì mình đang viết. Với một văn chương như thế, nắm bắt được không chỉ là khó, mà nó còn tỏa ra nhiều hướng khác nhau, không chỉ tùy thuộc vào khả năng nhận thức và nắm bắt vấn đề, hay là khả năng cảm thụ thời gian, không gian, sự vật, và biến thể... mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trải nghiệm của cá nhân qua từng thời kỳ khác nhau. Nói như thế này có vẻ rất tẻ nhạt và vô nghĩa, vì thực ra văn chương nào mà chả thế, nhưng mức độ biến hóa của văn chương Faulkner thì sẽ dường như là vô cùng, thậm chí có thể trên hai cực đối lập.

Đấy là món quà của thiên đàng? hay sự đày đoạ của địa ngục? Điều này hẳn phụ thuộc rất nhiều (nhưng hẳn là không chỉ) vào năng lực của cá nhân.

không biết là tôi đã thay đổi so với tôi của trước đây, hay vì tôi đã gặp được một người hạ gục tôi hoàn toàn, lấy đi trọn vẹn trái tim tôi bằng những mô tả chạm được đến tận mạch máu, và tế bào của sự sống, bởi vì tôi vốn là người sợ những miêu tả lê thê, triền miên, bởi vậy tôi không đọc được Sebald hay Bernhard, hay gặp khó khăn với Schulz, hay đã phải cố gắng rất nhiều với Modiano hay thậm chí là Mansfield, nhưng tôi đọc không sót một chữ của Faulkner mặc dù thậm chí F. còn lê thê và triền miên hơn gấp nhiều lần như thế…

cũng là bóc đi từng lớp vỏ nguỵ trang như bóc một củ hành giống như Kundera, để đi tận sâu vào cái cốt lõi, rồi phát hiện ra những thứ tưởng như vô cùng phức tạp hoá ra lại đơn giản bất giờ, biết bao nhiêu những quay cuồng, tranh đấu hoá nhiều lúc thực ra lại rất vô nghĩa, bởi đi một vòng ta lại quay lại đúng cái nơi mà ở đó ta đã mất bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu nước mắt, đớn đau, vật vã, hy vọng và mất mát, để ra đi, để vươn tới một điều gì đó mà hình như ngay từ đầu ta đã biết trước là chẳng bao giờ nắm bắt được, nhưng điều kỳ diệu lại là ở chỗ, thấy vô nghĩa rồi, và chấp nhận được sự bất lực ấy rồi, thì lúc ấy cánh cửa mới thực sự mở ra, ánh sáng mới soi rọi, tâm hồn mới thực sự tỉnh thức… cũng là một con đường như thế nhưng phương cách lại khác nhau ở chỗ, Kundera dường như nắm chặt mọi diễn biến trong tay, điều khiển những nhân vật, vẽ ra những nhân cách như những con rối đang nhảy múa trên sàn diễn còn ông thì giống như người đang chơi trò chơi của Đấng sáng tạo, nhưng với Faulkner, mỗi một nhân vật, một nhân cách đều sống động, mãnh liệt và không lường trước được, mỗi con người, đều sống như là Đấng sáng tạo của chính mình, có lẽ ngay cả chính ông cũng không thể biết trước được họ sẽ rẽ theo những ngả hướng nào và đi về đâu. Với Kundera, đó là câu chuyện, với Faulkner, ấy là cuộc đời…

No comments:

Post a Comment

tin

 có lẽ người ta ứng xử kỳ lạ như thế là vì người ta không tin tôi, hoặc có thể vì người ta không tin chính bản thân mình. nhưng một điều đơn...